12/9/14

ĐỊNH ĐỀ BERTRAND

Vào năm 1845, nhà toán học Bertrand đã phát hiện một kết quả rất đẹp về số nguyên tố (thường được gọi là Định đề Bertrand):  Với mọi $n\in {{Z}_{>1}}$, luôn tồn tại số nguyên tố $p$ thuộc khoảng $(n;2n)$.


Bertrand đã chứng minh được Định đề đúng với mọi số nguyên dương $n\le 3000000$, tuy nhiên ông chưa đưa ra được chứng minh tổng quát. Vào năm 1850, nhà toán học Chebyshev, đã chứng minh được hoàn chỉnh Định đề trên bằng một phương pháp khá phức tạp. Mãi đến năm 1932, nhà toán học người Hungari tên là Paul Erdos mới đưa ra một phương pháp chứng minh rất đẹp và đơn giản cho Định đề trên. Trong bài viết hôm nay ta sẽ tìm hiểu con đường chứng minh rất tao nhã mà Erdos đã xây dựng.
Trước hết ta tìm hiểu một số kết quả cơ bản sau:
Mệnh đề 1: Với mọi $n\in {{Z}_{\ge 1}}$ ta luôn có $C_{2n}^{n}\ge \frac{{{4}^{n}}}{2n+1}$.
Chứng minh
Với mọi $n\in {{Z}_{\ge 1}}$ ta có ${{4}^{n}}={{\left( 1+1 \right)}^{2n}}=\sum\limits_{k=0}^{2n}{C_{2n}^{k}}$.
Như đã biết, $C_{2n}^{n}\ge C_{2n}^{k},k=\overline{0,2n}$ nên
${{4}^{n}}={{\left( 1+1 \right)}^{2n}}=\sum\limits_{k=0}^{2n}{C_{2n}^{k}}\le \left( 2n+1 \right)C_{2n}^{n}$
suy ra $\frac{{{4}^{n}}}{2n+1}\le C_{2n}^{n}$.
Mệnh đề 2: Với mọi $x\in {{R}_{>0}}$ và $n\in {{Z}_{\ge 1}}$ ta luôn có $0\le \left[ nx \right]-n\left[ x \right]\le n-1$ (ký hiệu $\left[ a \right]$ được hiểu là số nguyên lớn nhất không vượt quá $a$).
Chứng minh
Vì $x=\left[ x \right]+\left\{ x \right\}$ nên $nx=n\left[ x \right]+n\left\{ x \right\}$, suy ra
$\left[ nx \right]=\left[ n\left[ x \right] \right]+\left[ n\left\{ x \right\} \right]=n\left[ x \right]+\left[ n\left\{ x \right\} \right]$
Do đó $\left[ nx \right]-n\left[ x \right]=\left[ n\left\{ x \right\} \right]$.
Hiển nhiên $\left[ n\left\{ x \right\} \right]\ge 0$. Mặt khác $\left\{ x \right\}\in [0;1)$ nên $\left[ n\left\{ x \right\} \right]\in [0;n)$, suy ra $\left[ n\left\{ x \right\} \right]\le n-1$.
Vậy $0\le \left[ nx \right]-n\left[ x \right]\le n-1$.
Chú ý: Với $n=2$ ta được bất đẳng thức $0\le \left[ 2x \right]-2\left[ x \right]\le 1$.
Mệnh đề 3: Với mọi $n\in {{Z}_{>1}}$ ta có ${{P}_{n}}=\prod\limits_{p\le n}{p}\le {{4}^{n}}$.
Chứng minh
Ta chứng minh bằng phương pháp qui nạp.
Với $n=2$ ta có ${{P}_{2}}=\prod\limits_{p\le 2}{p}=2<{{4}^{2}}$.
Giả sử bất đẳng thức đúng với mọi $n\le k$($k\ge 2$), ta sẽ chứng minh ${{P}_{k+1}}=\prod\limits_{p\le k+1}{p}\le {{4}^{k+1}}$.
Nếu $k+1$ chẵn thì  ${{P}_{k+1}}=\prod\limits_{p\le k+1}{p}=\prod\limits_{p\le k}{p}\le {{4}^{k}}<{{4}^{k+1}}$.
Nếu $k+1$ lẻ thì tồn tại $m\in {{Z}_{>0}}$ sao cho $k+1=2m+1$. Khi đó
${{P}_{k+1}}=\prod\limits_{p\le 2m+1}{p}=\prod\limits_{p\le m+1}{p}\prod\limits_{m+2\le p\le 2m+1}{p}$
Theo giả thiết qui nạp ta được $\prod\limits_{p\le m+1}{p}\le {{4}^{m+1}}$. Hơn nữa,
$\prod\limits_{m+2\le p\le 2m+1}{p}|\frac{\left( m+2 \right)\ldots \left( 2m+1 \right)}{m!}=C_{2m+1}^{m+1}$
suy ra $\prod\limits_{m+2\le p\le 2m+1}{p}\le C_{2m+1}^{m+1}$. Do đó, ${{P}_{k+1}}\le {{4}^{m+1}}C_{2m+1}^{m+1}$.
Ta thấy  ${{2}^{2m+1}}=\sum\limits_{k=0}^{2m+1}{C_{2m+1}^{k}}\ge C_{2m+1}^{m}+C_{2m+1}^{m+1}=2C_{2m+1}^{m+1}$, suy ra $C_{2m+1}^{m+1}\le {{2}^{2m}}$.
Vậy ${{P}_{k+1}}\le {{4}^{m+1}}C_{2m+1}^{m+1}\le {{4}^{m+1}}{{2}^{2m}}={{4}^{2m+1}}={{4}^{k+1}}$.
Theo nguyên lí qui nạp ta có ngay điều phải chứng minh.
Mệnh đề 4: Cho $n\in {{Z}_{>1}}$ và $p$ là số nguyên tố, ký hiệu ${{\theta }_{p}}\left( n \right)$ chỉ số tự nhiên lớn nhất thỏa mãn ${{p}^{{{\theta }_{p}}\left( n \right)}}|n$. Khi đó, ta có các kết quả sau:
                        1. ${{\theta }_{p}}\left( mn \right)={{\theta }_{p}}\left( m \right)+{{\theta }_{p}}\left( n \right);m,n\in {{Z}_{>0}}$.
                        2. ${{\theta }_{p}}\left( \frac{m}{n} \right)={{\theta }_{p}}\left( m \right)-{{\theta }_{p}}\left( n \right);m,n\in {{Z}_{>0}},n|m.$
                        3. ${{\theta }_{p}}\left( n! \right)=\sum\limits_{k=1}^{\infty }{\left[ \frac{n}{{{p}^{k}}} \right];n\in {{Z}_{>1}}}$.
Việc chứng minh Mệnh đề 4 xin dành cho bạn đọc như một bài tập.
Mệnh đề 5:  Nếu $p\in (\frac{2}{3}n;n]$ thì ${{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)=0$.
Chứng minh
Áp dụng Mệnh đề 4 ta được
${{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)={{\theta }_{p}}\left( \frac{\left( 2n \right)!}{{{\left( n! \right)}^{2}}} \right)={{\theta }_{p}}\left( \left( 2n \right)! \right)-{{\theta }_{p}}\left( {{\left( n! \right)}^{2}} \right)$
$p\in (\frac{2}{3}n;n]$ nên trong dãy $1,2,\ldots ,2n$ chỉ có hai số chia hết cho $p$ là $p$ và $2p$, suy ra ${{\theta }_{p}}\left( \left( 2n \right)! \right)=2$; trong dãy $1,2,\ldots ,n$ chỉ có một số chia hết cho $p$ là $p$, suy ra ${{\theta }_{p}}\left( {{\left( n! \right)}^{2}} \right)=2{{\theta }_{p}}\left( n! \right)=2$. Do đó,
${{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)={{\theta }_{p}}\left( \left( 2n \right)! \right)-{{\theta }_{p}}\left( {{\left( n! \right)}^{2}} \right)=2-2=0$.
Mệnh đề 6: Nếu $p|C_{2n}^{n}$ thì ${{p}^{{{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)}}\le 2n$.
Chứng minh
Chọn $r\in {{Z}_{>0}}$ sao cho ${{p}^{r}}\le 2n<{{p}^{r+1}}$. Khi đó
${{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)={{\theta }_{p}}\left( \left( 2n \right)! \right)-2{{\theta }_{p}}\left( n! \right)=\sum\limits_{k=1}^{r}{\left[ \frac{2n}{{{p}^{k}}} \right]-}\sum\limits_{k=1}^{r}{2\left[ \frac{n}{{{p}^{k}}} \right]}$
Áp dụng Mệnh đề 2 ta được
$\sum\limits_{k=1}^{r}{\left[ \frac{2n}{{{p}^{k}}} \right]-}\sum\limits_{k=1}^{r}{2\left[ \frac{n}{{{p}^{k}}} \right]}=\sum\limits_{k=1}^{r}{\left( \left[ \frac{2n}{{{p}^{k}}} \right]-2\left[ \frac{n}{{{p}^{k}}} \right] \right)}\le r$
Do đó, ${{p}^{{{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)}}\le {{p}^{r}}\le 2n$.
Mệnh đề 7: Nếu $p|C_{2n}^{n}$ và $p\in (\sqrt{2n}; \frac{2}{3}n]$ thì ${{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)=1$.
Chứng minh
Vì $p|C_{2n}^{n}$ nên theo Mệnh đề 6 ta được ${{p}^{{{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)}}\le 2n$, suy ra ${{\left( \sqrt{2n} \right)}^{{{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)}}$ nhỏ hơn $2n$. Do đó ${{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)=1$. 
Chứng minh Định đề Bertrand
Giả sử Định đề Bertrand không đúng, tức tồn tại $n\in {{Z}_{>1}}$ sao cho không có số nguyên tố nào nằm trong khoảng $\left( n;2n \right)$, rõ ràng $n\ge 3000000$.
Từ Mệnh đề 5 ta khẳng định một điều là $C_{2n}^{n}$ không có ước nguyên tố trong nửa khoảng $\left( \frac{2}{3}n;n \right]$. Ta suy ra $C_{2n}^{n}$ chỉ có ước nguyên tố nằm trong nửa khoảng $\left( 1;\frac{2}{3}n \right]$.
Theo Mệnh đề 7, mỗi ước nguyên tố của $C_{2n}^{n}$ thuộc nửa khoảng $\left( \sqrt{2n};\frac{2}{3}n \right]$ có lũy thừa trong phân tích tiêu chuẩn của $C_{2n}^{n}$ là 1. Do đó,
$C_{2n}^{n}=\prod\limits_{p\le \sqrt{2n}}{{{p}^{{{\theta }_{p}}\left( C_{2n}^{n} \right)}}}\prod\limits_{p\in (\sqrt{2n};\frac{2}{3}n]}{p}\le {{\left( 2n \right)}^{\sqrt{2n}}}{{4}^{\frac{2}{3}n}}$
suy ra
$\frac{{{4}^{n}}}{2n+1}\le {{\left( 2n \right)}^{\sqrt{2n}}}{{4}^{\frac{2}{3}n}}$ 
$\Leftrightarrow n\ln 4\le \ln \left( 2n+1 \right)+\sqrt{2n}\ln 2n+\frac{2}{3}n\ln 4$        
Bất đẳng thức trên không thể xảy ra với bất kỳ giá trị $n\ge 3000000$.
Vậy luôn tồn tại số nguyên tố thuộc khoảng $\left( n;2n \right)$ với mọi $n\in {{Z}_{>1}}$.
Định đề Bertrand đã được chứng minh.    

Không có nhận xét nào: